Phẩm cách huấn luyện viên tiếng Nhật tại lớp Cú Mèo
Điều 1: Định nghĩa huấn luyện viên
Huấn luyện viên (coach) là người huấn luyện cho các học viên (learners) cách học tiếng Nhật cũng như kiến thức tiếng Nhật chứ không đơn thuần chỉ là người dạy học (teacher).
Thông qua quá trình huấn luyện, học viên sẽ học được cách tự học, tự rèn luyện và nâng cao nền tảng tiếng Nhật của mình. Khả năng của học viên sẽ không bị giới hạn tại số giờ được huấn luyện mà có thể tăng số giờ tự ôn luyện lên tùy ý, nhờ đó xây dựng vững chắc nền tảng tiếng Nhật.
Điều 2: Huấn luyện viên phải đặt ra cho học viên lý tưởng học tiếng Nhật đối với mỗi trình độ tương ứng. Phải đảm bảo học viên luôn nhớ lý tưởng này.
Điều 3: Sự tiến bộ của học viên là thước đo năng lực và đóng góp của huấn luyện viên.
Điều 4: Công việc huấn luyện đòi hỏi chỉ ra phương pháp và có bài tập đơn giản cho học viên luyện tập hàng ngày. Đây không đơn thuần là dạy học (đặc biệt là dạy chay) mà là huấn luyện. Huấn luyện nghĩa là phải đặt ra các nhiệm vụ (task) mà học viên phải vượt qua và phải thực hành (practice) thường xuyên.
Điều 5: Công việc của huấn luyện viên.
Không chỉ là huấn luyện mà còn gồm đặt mục tiêu (set goal) cho lớp học, soạn giáo án bám sát theo phương pháp Cú Mèo, chuẩn bị kiến thức, ví dụ cho bài giảng (lesson), tạo bài tập hay luyện tập để học viên thực hành.
Điều 6: Không dạy chay.
Hãy đảm bảo là công sức huấn luyện viên bỏ ra một thì học viên phải bỏ ra tương ứng (thông qua luyện tập). Việc không luyện tập sẽ khiến học viên không tiến bộ và không có thói quen thành công.
Điều 7: Phân biệt ký ức ngắn hạn và ký ức dài hạn.
Không được hài lòng với ký ức ngắn hạn của học viên mà phải đảm bảo học viên ghi nhớ kiến thức lâu dài thông qua một cơ chế thích hợp.
Điều 8: Tuyệt đối không dồn ép học sinh bằng bài tập khó.
Hãy tạo ra các bài tập đơn giản, không đánh đố để học sinh có thể dễ dàng tiếp thu và tiến bộ mà vẫn vui vẻ. Không kiểm tra kiến thức mà học viên chưa học.
Điều 9: Mục tiêu tối thượng là sự tiến bộ về nền tảng kiến thức của học viên. Mọi công việc của huấn luyện viên phải hướng tới mục tiêu này.
Điều 10: Công việc chính của huấn luyện viên không nằm ở trên lớp mà nằm ở sự chuẩn bị bài giảng, bài luyện tập, việc đánh giá học sinh. Đặc biệt, phải sử dụng công cụ để học sinh có thể tăng số giờ học ở nhà không cần tới lớp, qua đó, tiết kiệm tiền cho học viên.
Điều 11: Buộc nghỉ học với các học viên không tiến bộ nhằm tránh tốn tiền học viên và tốn thời gian của huấn luyện viên. Khi mục tiêu không đạt, hãy có biện pháp xử lý thích hợp.
Buộc nghỉ học học viên thái độ không tốt ảnh hưởng tới học tập của người khác.
Điều 12: Đánh giá, sửa đổi phương pháp, lớp học định kỳ nhằm tăng hiệu quả.
Điều 13: Giải tán lớp nếu không đủ sỹ số hoặc có sự cố không khắc phục được.
Về học phí, sẽ hoàn trả số buổi chưa dạy trong tháng đó và các tháng chưa dạy.
Điều 14: Không chịu trách nhiệm thay cho các vấn đề cá nhân, nhân sinh quan, hay cuộc đời của học viên. Không chịu trách nhiệm nếu học viên không tiến bộ do không đầu tư thời gian, công sức học tập hoặc đơn giản là không phù hợp với phương pháp. Không lắng nghe các lời bao biện, các vấn đề cá nhân, các vấn đề xã hội.
Hãy khuyến khích học sinh thử lớp khác, trường khác, phương pháp khác nếu học sinh đó không tiến bộ. Hãy tiếp tục công việc huấn luyện dù việc gì xảy ra, đây là SỰ CHUYÊN NGHIỆP.
Không nói chuyện tiền bạc với học viên vì công việc của huấn luyện viên không phải là thu ngân.
Điều 15: Huấn luyện viên thành công cần sự mài giũa, luyện tập thường xuyên. Hãy học hỏi, nghiên cứu thường xuyên và phải có LÝ TƯỞNG trở thành huấn luyện viên tiếng Nhật xuất sắc. Một huấn luyện viên không có lý tưởng sẽ không thể huấn luyện để học viên có lý tưởng.
Giữ phẩm cách của huấn luyện viên để có thể trở nên xuất sắc và sống an toàn!
(C) Saroma Owl Class
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét