Trong Du học luận 1.0, Takahashi có nói về các mục đích thông thường nhất của việc du học. Vậy có phải cứ đi du học thì sẽ ngon, còn không đi du học thì không ngon hay không?
KHÔNG.
Ai mà biết được? Bạn phải thử không đi du học, và sau đó thử đi du học. Bạn phải có 2 cuộc đời để so sánh, nhưng chúng ta chỉ sống có một cuộc đời thôi. Hừm, thế thì làm sao để biết? Theo tôi, bạn cần đi du học và khoảng 10 năm sau đánh giá lại xem bạn hối tiếc hay không hối tiếc (tham khảo Nhị phân hóa cuộc sống). Tóm lại thì du học là một con đường. Thật vớ vẩn nếu bạn thích Hàn Quốc nhưng lại du học ở Nhật và ngược lại. Nhưng cũng chẳng vớ vẩn lắm, vì 2 tiếng khá giống nhau và bay đi bay lại thì có mấy đâu. Nếu bạn thích Hàn mà lại học ở Nhật cũng không tệ lắm nhỉ? Vì quá tệ.
Nhưng chúng ta cần so sánh là, những người đi du học và không đi du học khác gì nhau. Về cơ bản, tôi thấy đi du học có lợi thế hơn về tài chính. Nhìn chung là như vậy. Nhưng đó là phiên bản du học luận 1.0, chúng ta đang ở trong một mê lộ khác, đó là phiên bản 1.5.
Theo tôi, khi còn trẻ bạn sẽ có hai lựa chọn:
Lựa chọn 1: Phiêu lưu và chấp nhận rủi ro (take an adventure and risk)
Lựa chọn 2: Chôn chân một chỗ và sống an toàn (playing safe)
Playing games ....
... or staying still like a manhole!
Bao nhiêu rủi ro có thể xảy ra? Bạn có thể cho bạn bè vay tiền và họ lượn mất. Bạn bị những người cùng quốc tịch xung quanh quấy rối ... hàng ngày. Bạn không ăn được đồ ăn. Bạn bị trầm cảm. Bạn học người ta nhảy tàu và mất mạng. Bạn không thích ứng được, bị áp lực tài chính và phát bệnh....
Nói thẳng ra thế thì hóa ra cũng không tệ lắm nhỉ? Chắc phải ... bịa thêm. Có thể là người yêu bỏ bạn. Bạn vốn học giỏi nhưng sang đây đội sổ và chán ghét bản thân. Bạn không học được tiếng, cảm thấy mình chỉ là cỏ rác. Cha mẹ thất vọng vì bạn. Bạn bè đem bạn ra chế diễu. Nói thẳng ra thế thì hóa ra cũng không tệ lắm nhỉ?
Những vấn đề trên xảy ra khi bạn chôn chân một chỗ quá lâu. Nếu bạn tự lập thì hiếm khi bạn gặp vấn đề đó. Tóm lại, nếu bạn có khả năng tư duy thì bạn sẽ tránh được những cái hố trước mặt. Chôn chân một chỗ an toàn hơn là vì có người bao bọc bạn. Có người cho bạn ăn, làm vệ sinh giùm bạn. Bạn chẳng làm gì ngoài ... học. Nếu bạn học không thành tài, vẫn có người cho bạn ăn và phục vụ bạn. Sau đó thế nào thì tôi không biết.
Bạn sống khá an toàn vì bạn chọn con đường an toàn. Nhưng cuộc sống chẳng có gì thi vị. Không có cánh đồng hoa, thung lũng, núi đồi, ... vì bạn chỉ chôn chân một chỗ. Bạn vui mừng khi nghe những vấn nạn xảy ra với những người phiêu lưu, và ghen tỵ khi có ai đó phiêu lưu và thành công => Nhưng còn lâu bạn mới nghe thấy những việc này, nên không cần tính sớm.
Cái vấn đề khi phiêu lưu, là không chỉ toàn khó khăn, gian khổ, rủi ro, mà nó là trải nghiệm. Có khá nhiều trải nghiệm đẹp (good memories). Đó là con đường mà chúng ta đi thôi. Không phải là khi bạn tới đích thì bạn sẽ sống vui, không lo âu, không ưu tư đâu. Cuộc sống của chúng ta chính là con đường chúng ta đi. Chúng ta sẽ vui buồn ở trên đó. Còn muốn vui không lo âu, không ưu tư thì tôi e là chúng ta ... chết rồi. Nhiều khả năng là bị lãng quên. Ai thèm quan tâm?
À nói vậy chắc tôi sẽ cố trả tiền domain cho trang web này thêm 100 năm cho chắc. Hi vọng họ sẽ nhớ Takahashi là ai? Mà thôi, tốn tiền thế làm gì? Tại sao không sống tốt và ra đi vui vẻ? Vì cuộc sống là con đường, không phải đích đến.
Quan trọng chính là bạn thôi. Liệu chôn chân bạn có nhiều kỷ niệm đẹp hơn kỷ niệm xấu không, hay đi phiêu lưu bạn có nhiều kỷ niệm đẹp hơn kỷ niệm xấu không. Chôn chân thì nhiều khả năng ít kỷ niệm xấu, cũng ít kỷ niệm đẹp.
Chúng ta giả sử thế này nhé: Chúng ta đi du học Nhật Bản. Vậy thì chuyện gì có thể xảy ra? Chúng ta có thể trải nghiệm mùa hoa anh đào, trải nghiệm tuyết rơi, trải nghiệm khí hậu ôn đới. Khi trải nghiệm điều đó, liệu bạn có hối tiếc không? Tôi nghĩ là KHÔNG. Trừ khi bạn làm điều gì đó quá ngu dại và thù nước Nhật mãi mãi ha ha. Đó chắc chắn là những trải nghiệm tuyệt vời. Có bao giờ bạn nghĩ bạn sống một cuộc đời mà không bao giờ trải nghiệm chúng không? Tất nhiên bạn chẳng cần trải nghiệm. Nhưng thế thì tâm hồn bạn sẽ khá đói khát thôi.
Trong chúng ta, ai cũng có khát vọng phiêu lưu cả. Nhưng không phải ai cũng dám phiêu lưu. Đối với tôi thì phiêu lưu là con đường sống, nếu không sẽ sống mòn mất.
Và khi phiêu lưu, bản thân chúng ta sẽ thay đổi (dù bạn nhìn được, hay không nhìn được). Chúng ta dung nạp những triết học và văn hóa mới. Phiêu lưu sẽ trở thành lối sống, một lối sống ... tuyệt vời. Chắc chẳng ai muốn chết dí với những vấn đề nhỏ nhen của người khác, đúng không? Khi bạn dừng chân, người ta sẽ quàng cả đống trách nhiệm lên cổ bạn, toàn những trách nhiệm mà bạn chẳng được lợi gì. Bạn hoàn toàn không có cái gọi là "triết học chôn chân" để chịu những thứ nhỏ nhen, ngu ngốc đó đâu. Và bạn lượn. Đơn giản vậy thôi.
Bạn muốn chinh phục thì bạn phải phiêu lưu. Tôi chưa nghe về ai không phiêu lưu, chỉ ngồi nhà mà chinh phục được cả. Với lại, bạn phải HỌC KHÔN. Phiêu lưu thì mới học khôn được. Bạn không thể ngồi nhà mà nhìn ra vấn đề, trừ khi bạn là đại triết gia (cũng có thể là người tù vĩnh cửu hài lòng với cuộc sống của mình). Ngồi nhà thì nhiều sợi dây vô hình trói bạn lại lắm. Bạn muốn thoát cũng khó.
Phiêu lưu để sống. Phiêu lưu là cuộc sống. Con đường của bạn là cuộc sống của bạn. Chỉ có bạn đường thực sự mới là người bạn thực sự thôi. Phiêu lưu cũng là một chủ đề để tiến hóa (phiên bản hiện tại là 1.5). Bạn cần tiến hóa liên tục và vượt qua mọi MÊ LỘ. Cuộc đời cũng đơn giản thôi, sống là chơi game, chết là hết game. Chúng ta không thể sống sau khi đã chết. Vì thế, cách tiếp cận của chúng ta nên khác đi. Chúng ta sẽ sống, bằng cách đi trên con đường của chúng ta, đúng không? Vì chôn chân có nghĩa là chúng ta chỉ đang sống mòn.
Phiêu lưu chẳng là gì, chỉ là cuộc sống mà chúng ta chọn.
Takahashi
Phiêu thôi
Trả lờiXóaTuyệt
Trả lờiXóa