Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Nuance sắc thái

Nuance có nghĩa là "sắc thái", tiếng Nhật là ニュアンス Nyuansu (phiên từ tiếng Anh ra).
Định nghĩa:  subtle or slight degree of difference, as in meaning, feeling, or tone; a gradation = sự khác biệt tinh vi hay nhỏ.
Định nghĩa tiếng Nhật: 〔表現・感情・意見・色・味などの〕微妙な差異、ニュアンス

Trong cuộc sống xã hội, sắc thái rất quan trọng. Đôi khi, chúng quan trọng hơn cả nội dung bạn nói ra. Đa phần mọi người sẽ dùng trực giác để cảm nhận sắc thái trong câu nói của bạn. Và quả thực, sắc thái câu nói của bạn sẽ bộc lộ bạn là ai, có ý định gì.

Ví dụ, bạn sắp phát biểu trong buổi thuyết trình và bạn sẽ bắt đầu phát biểu bằng cách nào:

(1) 発表させていただきます Happyou sasete itadakimasu

(2) 発表させてください Happyou sasete kudasai

(3) 発表いたします Happyou itashimasu

(4) 発表いただきます Happyou itadakimasu

(5) 発表していただきます Happyou shite itadakimasu

Bài tập của Saroma Lang: Bạn hãy chọn một câu ở trên để mở đầu phát biểu của mình. Xem giải đáp bên dưới.

Nuance trong cuộc sống

Bạn sẽ luôn gặp nuance (sắc thái) trong cuộc sống thực. Nếu không hiểu thì người thua thiệt là bạn. Tất nhiên hỏi chuyên gia về Nuance như ... Takahashi là chuẩn (cmn) rồi!

Chẳng hạn 2 câu sau khác gì nhau:
Quảng cáo A: Chúng tôi mở bán căn hộ giá chỉ từ 1 tỷ đồng/căn.
Quảng cáo B: Chúng tôi mở bán căn hộ giá từ 1 tỷ đồng/căn.

Bạn có lựa chọn nào?
(1) 2 quảng cáo bằng giá
(2) Quảng cáo A nhà rẻ hơn
(3) Quảng cáo B nhà rẻ hơn

Rẻ hay đắt ở đây là tính về chất lượng nhà nhé. Tức là nhà bán giá bằng nhau thì nhà chất lượng tốt hơn (nội thất tốt hơn) sẽ được coi là rẻ hơn.

Hay trong tình trường, bạn có thể suy luận xem 2 câu sau khác gì nhau:
(1) Anh chỉ yêu mình em
(2) Anh yêu em

Triết học ở đây là, nghiên cứu về nuance thì bạn sẽ được gì? Liệu bạn có sống tốt hơn không? Và, nếu không hiểu về nuance thì liệu bạn có bị thua thiệt không?

Vấn đề này có lẽ liên quan khá nhiều đến chuyện bạn không đọc được không khí 空気が読めない kuuki ga yomenai.

Giải đáp của Takahashi

Vấn đề này tôi có đề cập trong bài "Giữ gìn sự trong sáng của ... tiếng Nhật" trước đây.
Câu (4) và (5) chắc chắn là sai, vì itadakimasu là bạn nhận hành động, ơn huệ từ người khác. Tức là người khác phát biểu chứ không phải bạn phát biểu.

Câu (2) Happyou sasete kudasai = Xin hãy cho phép tôi phát biểu: Cũng là sai, đây là câu xin phép, không phải bạn sẽ phát biểu.

Đại đa số người Nhật chọn câu (1) Happyou sasete itadakimasu. Đặc biệt là sinh viên đại học ở Nhật phát biểu luận văn tốt nghiệp. Dù đa số chọn cách này, nhưng cách này có đúng không? Thật ra là không đúng, nói thẳng ra là YẾU ỚT, thể hiện một vị thế yếu.

Câu này là câu xin phép: Happyou saseru = cho phép phát biểu
Happyou sasete = Hãy cho phép tôi phát biểu
Happyou sasete itadakimasu = Tôi xin được cho phép phát biểu

Câu này thật ra mới chỉ là một câu xin phép. Thế nếu trong khán giả có người (Takahashi chẳng hạn) nói là:
ダメです dame desu = Không được!
Hay させません sasemasen = Tôi không cho!

thì sao? Bạn có phát biểu tiếp không? Nếu bạn phát biểu tiếp thì bạn quả là trơ tráo, mặt dày (図々しい zuuzuushii), còn nếu bạn không phát biểu tiếp thì bạn sẽ biến thành trò cười cho khán giả. Bạn chọn cách nào?

Bạn đã tự đẩy mình vào thế yếu, thể hiện rằng bạn ở một vị thế thấp và đang xin phép họ. Có nghĩa là bài phát biểu của bạn hóa ra chẳng có giá trị gì. Có thể bạn chỉ đối phó, hoặc hời hợt, hoặc chính bạn cũng chẳng muốn nghe nó và không có tự tin là nó sẽ hấp dẫn mọi người. Bạn phát đi một THÔNG ĐIỆP YẾU.

Thông điệp mạnh là câu (3) Happyou itashimasu, tức là "Happyou shimasu" nhưng ở dạng khiêm người (謙遜語 kensongo = khiêm tốn ngữ). Nghĩa là: "Tôi xin phát biểu".

Cách nói này là đủ lịch sự, và đặt bạn ngang hàng với khán giả. Bạn có quyền phát biểu và thể hiện điều đó, và sắc thái này thể hiện là bài phát biểu của bạn có giá trị. Ít ra là bạn tự tin thế. Takahashi thì sẽ toàn dùng THÔNG ĐIỆP MẠNH, rất có lợi thế kể cả khi bài phát biểu của tôi (đa phần) chỉ là rác rưởi. Lý do? Vì ngồi nghe Takahashi phát biểu còn tốt chán, chứ về nhà vợ con nhảy lên đầu lên cổ, kêu ca phàn nàn suốt ngày. Được ngồi ghế êm, máy lạnh là tốt rồi còn kêu ca gì. Còn không nghe thì có mất gì đâu? Đây đâu phải thi vấn đáp đâu mà lo ngay ngáy bị gọi lên trả lời.

Tôi cũng chỉ phát biểu thôi, chứ không giết ai cả. Về nhà bạn còn trầm cảm cơ. Hoặc lát làm việc thì sếp sẽ đè cho bẹp dí. Thế thì tội quái gì không dùng thông điệp mạnh. Với lại, nếu bạn thể hiện vị thế tốt, thì người ta ít đì bạn hơn nhiều. Đời này nếu họ ức hiếp (ijime) bạn được, họ ức hiếp ngay.

Còn cái mẩu quảng cáo, thì nhà B rẻ hơn mà. "Chỉ" có nghĩa là sự thỏa hiệp, vị thế người bán thấp hơn người mua, nên phải dụ người mua bằng giá rẻ. Đây là THÔNG ĐIỆP YẾU. Tức là, nhà không bán được, nên ra sức quảng cáo có vẻ rẻ để lôi kéo người ta quan tâm. Đa số các nhân viên kinh doanh (sales) đều dùng cách này. Họ tiếp 100 khách 1 ngày, loạn óc gãy lưỡi giải thích. Họ bán nhà có thể tốt, nhưng kiệt sức và đời đen tối.

Nếu muốn bán hàng, hãy ở vị thế ít nhất ngang hàng với khách hàng. Apple là điển hình của việc vị thế vượt trội so với khách hàng, và luôn dùng thông điệp mạnh như "sản phẩm kỳ diệu, đáng kinh ngạc". Tôi chỉ thấy đáng kinh ngạc ở cái giá quá mắc so với Adroid và kinh ngạc hơn là làm gì cũng sẽ phải kết bạn với một anh chàng đáng ghét: iTunes. Nhưng khách hàng thích thế, họ thích ở vị trí theo đuổi, còn nếu họ ở vị thế mạnh họ sẽ kỳ kèo từng xu lẻ ngay.

Còn sắc thái cái câu "Anh chỉ yêu mình em" là thế quái nào? Chứng tỏ bạn không hấp dẫn (motenai) nên không yêu được ai khác, có mỗi một lựa chọn. Và vì thế bạn lại càng không hấp dẫn hơn. Muốn hấp dẫn (moteru), đầu tiên thay đổi cách nói đi đã. Ít nhất hãy chấp nhận những điều ngang trái ở đời là bạn theo đuổi thứ gì thì thứ đó lập tức tăng giá 100 lần. Sau đó học triết học, ví dụ Triết Học Câu Cá - đỉnh cao mọi loại triết học, và áp dụng triệt để một cách cực đoan. Bạn sẽ hấp dẫn cả một đàn cá, toàn CÁ MẬP ý chứ ha ha.

Kết luận 1: Sắc thái câu nói của bạn tiết lộ mọi thứ về con người bạn.
Kết luận 2: Không nói gì trong đa số trường hợp tốt hơn là nói ra những thông điệp yếu.
Kết luận 3: Tốt nhất là không nói gì, CHỈ CHÉM GIÓ TRÊN MẠNG THÔI.

(C) Saroma Lang

11 nhận xét:

  1. Mình chọn phương án 1. Hóng đáp án của saromalang

    Trả lờiXóa
  2. 1 .cho phep toi dc phatbieu

    Trả lờiXóa
  3. 3. 発表いたします。 Tôi xin phát biểu.

    Trả lờiXóa
  4. Toàn bị Ad gài bẫy thôi :))hay bị mặc định phải khiêm nhường trước người nhật khi nói,giờ chắc phải đưa vị thế lên cao hơn mới ổn. mà dùng itool thay cho itune ổn hơn đấy ad ạ :)

    Trả lờiXóa
  5. *cho phép tôi xin được phat biểu* dịch thế đc ko? nghe cung khá ổn mà !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cho phép tôi được làm gì đó. <=> xin được làm gì đó. Bạn dùng từ: " cho phép" rồi thì không phải "xin" thêm gì nữa. hi! có một mệnh lệnh mà mình hay đọc được trên tường hay cột điện là:" Cấm được đổ rác " hay " Cấm được đái bậy "... Và hậu quả là không được như mong muốn của chủ bút.

      Xóa
  6. rất hay, cảm ơn bạn

    Trả lờiXóa
  7. thế *tôi sẽ phát biểu* thì sao ?

    Trả lờiXóa
  8. kính thưa quý đại biểu vaf các vị khách quý thì nói thế nào mọi người?

    Trả lờiXóa