Tôi sẽ chia ra thành các vế câu (phrase) và hiểu ý nghĩa từng vế câu một. Và trong mỗi vế, tôi chỉ phân tích xem cái gì bổ nghĩa cho cái gì. Chỉ có thế thôi.
Khó nhất là cắt được ra!
Tôi lấy ví dụ:
善良に生きるのは万病の一番良い治療だ。裏で悪いことをするなど不良の生き方をするのは悲劇への近道だ。
Zenryō ni ikiru no wa manbyō no ichiban ii chiryōda. Ura de warui koto o suru nado furyō no ikikata o suru no wa higeki e no chikamichi da.
To be a good man is the best way to cure every illness. To be evil such as doing bad things behind people is a shortcut to tragedy.
Sống lương thiện là cách chữa trị tốt nhất cho mọi căn bệnh. Sống bất lương như làm việc xấu sau lưng người khác là con đường tắt dẫn đến bi kịch.
Đây là 2 câu đơn. Có chủ đề và phần mô tả tính chất/hành động phía sau. Ở câu thứ 2, phân tích bổ nghĩa thế này: "như làm việc xấu sau lưng người khác" là bổ nghĩa cho "sống bất lương". Và "sống bất lương" là chủ đề (là chủ ngữ luôn).
"dẫn tới bi kịch" là bổ nghĩa cho "con đường ngắn nhất" (làm rõ nghĩa là dẫn tới đâu). Và phân tích thêm thì "ngắn nhất" là tính từ bổ nghĩa cho con đường. Câu rút gọn chỉ là: [Sống bất lương] là [con đường].
Tóm lại, tất cả chỉ là bổ nghĩa! Bạn phân tích được cái gì bổ nghĩa cho cái gì thì bạn thắng. Nếu không, bạn sẽ hiểu không đúng hay không đầy đủ.
Ví dụ khác:
私たちは過去から立ち上がるものであり、空虚から立ち上がるものではない。
Watashitachi wa kako kara tachiagaru mono deari, kūkyo kara tachiagaru mono dewanai.
We all rise from the past, not from nothingness.
Chúng ta là những người đi lên từ quá khứ chứ không phải đi lên từ hư không.
Ở đây có 2 vế câu, một là "những người đi lên từ quá khứ", và một là "không phải đi lên từ hư không". Cả hai phrase này đều làm vị ngữ cho chủ đề "chúng ta".
Tương quan các vế câu
Chúng ta cũng phải học một chút về tương quan giữa các vế câu.Ví dụ: Hôm nay đẹp trời nhưng tôi không muốn ... ngồi nhà.
Ở đây có 2 vế câu: (1) Hôm nay đẹp trời (2) Tôi không muốn ngồi nhà. Đây là 2 vế câu đối lập, nên sử dụng "nhưng". Trong tiếng Nhật thì "nhưng" có thể là:
- Phrase1 が、Phrase2
- Phrase1けど、Phrase2
- Phrase1けれど、Phrase2
- Phrase1けれども、Phrase2
- Phrase1ものの、Phrase2 (mặc dù Phrase1, Phrase2)
- Phrase1にもかかわらず、Phrase2 (bất chấp Phrase1, Phrase2)
- ....
Rất phong phú mà tôi chưa liệt kê hết. Mỗi cách có một sắc thái khác nhau một chút.
Và bạn phải chú ý ngữ nghĩa của câu trên. "Nhưng" có nghĩa là chỉ sự đối lập. Thế có nghĩa là đúng ra thì "trời đẹp" thì "tôi muốn ngồi nhà", chỉ có hôm nay là ngoại lệ (vì lý do gì đó). Tức là, từ cách sử dụng từ, chúng ta phán đoán được người nói là người thế nào, đúng không? Đó gọi là ngữ nghĩa. Tất nhiên, bạn có thể thấy câu trên buồn cười hoặc nhảm nhí, nhưng sao bạn chắc là không có những người chỉ mong trời nắng đẹp để ... ngồi nhà?
Cũng có các vế câu chỉ nguyên nhân và kết quả:
Tôi muốn đổi đời nên (tôi) quyết định đi du học.
Ở đây sử dụng "nên" để tách vế nguyên nhân và vế kết quả. Tiếng Nhật thì sẽ dùng から (nghĩa đen: từ đâu, từ thời gian nào):
人生を変えたいから、留学することにした。
Jinsei wo kaetai kara, ryuugaku suru koto ni shita.
Có nhiều cách chỉ nguyên nhân, hệ quả khác như:
- Phrase1ので、Phrase2
- Phrase1_plainため、Phrase2
- Phrase1。したがってPhrase2
- Phrase1。よってPhrase2
- ...
VẾ CÂU = [CHỦ ĐỀ] + [TÍNH CHẤT / HÀNH ĐỘNG]
Chú ý là, tôi coi tính chất và hành động có vai trò giống nhau về ngữ nghĩa, chỉ phân ra tính từ hay động từ để chia cho đúng thôi.
Ví dụ: Bông hoa đẹp.
Ở câu này, tôi có thể không coi "đẹp" là tính chất, mà tôi coi như hành động cũng không có gì khác mấy. Vẫn chỉ là công thức trên mà thôi. Phân ra tính chất và hành động chỉ liên quan tới vai trò ngữ pháp và cách dùng từ ngữ. Ví dụ tiếng Nhật tính chất kết thúc sử dụng "desu" còn động từ (hành động) thì chia là Vます.
Cắt ra rồi thì thấy rất đơn giản!
Bí quyết đọc hiểu:
Phân tích câu = Phân tích vế câu + Phân tích bổ nghĩa
(C) Saroma Lang
arigato
Trả lờiXóaありがとうございました。
Trả lờiXóa