Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Giải mã tiếng Nhật: Naruhodo! Chí lý!

Bạn nào ở Nhật hay thường xuyên nói chuyện phiếm với người Nhật thì chắc được nghe "Na rự hồ đồ" thường xuyên! Hôm nay mình sẽ nói chuyện phiếm về "Naruhodo" trên SAROMA JCLASS. Thật ra, để dịch chuẩn từ này ra tiếng Việt lại không hề là việc dễ dàng với nhiều người biết tiếng Nhật. Và đây cũng là một từ mà chúng ta cần giải mã trong quá trình học tiếng Nhật.

Keyword: naruhodo, sou desu, tashika ni, sono toori desu

Nội dung:
"Naruhodo" và "Chí lý"
"Sou desu ka?" / "Sou desu ne!" = Thế ạ? / Đúng thế nhỉ!
"Tashika ni!" = "Quả thực là vậy!"
"Sono toori desu"
Ví dụ sử dụng "Naruhodo"

Naruhodo! / Naruhodo ne!

"Naruhodo" là một từ dùng trong ngôn ngữ nói, thường dùng trong giao tiếp hàng ngày và không ở trong hoàn cảnh cần trang trọng, tức là giữa bạn bè với nhau hay lúc trà chanh chém gió. Nghĩa là thầy cô của bạn có thể "Naruhodo!" với bạn chứ bạn không được nói ngược lại. Nếu bạn nói chuyện với thầy cô thì phải là "Sou desu ka!" / "Sou desu ne!".

"Naruhodo" nghĩa là gì?

Khi một người nói cho bạn một thứ gì đó mà bạn không biết, và bạn thấy ý kiến đó là đúng thì bạn sẽ nói "Naruhodo"
  • "Naruhodo!" = "Vậy à?" / "Thế hả?" => Nghe thông tin mới và thấy là đúng
Ví dụ bạn đi làm muộn và ....
- "Hôm nay kẹt xe dữ quá!"
- "Naruhodo!" = "Thế hả!" (Ánh mắt cấp trên từ hình viên đạn đã giãn ra rất nhiều)

Khi một người nói với bạn một thứ mà bạn ĐÃ BIẾT, và bạn tỏ ý tán thành với ý kiến của họ:
  • "Naruhodo!" = "Đúng vậy!" / "Ừ đúng!" / "Ừ đúng vậy!"
  • "Naruhodo ne" = "Ừ đúng vậy nhỉ" / "Đúng vậy nhỉ"
Ví dụ bạn và Takahashi đi qua một hàng bánh thơm ngát:
- "Bánh hàng này ngon!" / Kono omise no keeki wa oishii!
- "Naruhodo!" / "Ừ đúng vậy!" || Hoặc là "Naruhodo ne!" = "Đúng vậy nhỉ!"

Chú ý: Trong trường hợp này ý kiến đưa ra phải là ý kiến KHẲNG ĐỊNH, chứ không phải là một câu hỏi hay câu nói tìm sự đồng tình. Ví dụ các trường hợp sau là KHÔNG ỔN:
- "Kyou wa atsui desu ne!" = "Hôm nay nóng nhỉ!"
- "Naruhodo" = "Chí lý"
Bởi vì câu trên là một câu tìm sự đồng tình, chứ không phải là một ý kiến khẳng định để bạn có thể phang "naruhodo" vào. Thú thực là mình chả thấy có gì chí lý ở đây vì người kia cũng đang tìm sự đồng tình của bạn với nhận định "Hôm nay trời nóng" thôi mà.


"Naruhodo" và "Chí lý"

Thật ra thì "Naruhodo" gồm có 2 thành phần, mà nếu viết kanji (mặc dù ít khi được viết bằng kanji!) thì các bạn sẽ thấy rõ ngay:
  • Naruhodo = なるほど = 成る程
Các bạn có thể thấy "hodo" là để chỉ mức độ "gần như là" giống như trong câu "Shinu hodo kowakatta!" = "Tôi sợ gần chết!". Còn "naru" ở đây (chữ kanji là "thành") có nghĩa là trở thành (giống như "narimasu") / đúng / chân lý.
Ví dụ: Zangyou suru koto ni natteiru! = Tôi phải làm thêm giờ!
Ở đây là chỉ việc này bạn không quyết định được mà công ty quyết định như vậy cho bạn. Nghĩa là "Naru" có nghĩa chỉ cái đúng, cái chân lý. Bạn sẽ thấy nó giống hệt từ "Chí lý" của Việt Nam:
  • Chí lý = 至理
Ở đây "chí" là đi tới, "lý" là "chân lý / đúng", "chí lý" là từ để thể hiện bạn tán đồng và coi cái gì đó là đúng, tức là ý nghĩa "gần như là chân lý". Trong tiếng Nhật cũng sử dụng 至る itaru với nghĩa là đi tới mức độ nào đó.

Các bạn có thể thấy là "Naruhodo" và "Chí lý" khá tương đương nhau, ví dụ tiếng Việt bạn cũng không thể dùng "Chí lý" trong hoàn cảnh trang trọng hay nói với người trên mà chỉ dùng để trà chanh chém gió với bạn bè là chính. Ngoài ra, cách sử dụng cũng giống nhau, đó là thể hiện sự ĐỒNG TÌNH với cái gì bạn cho là đúng ("Ừ đúng") hay bạn cho là CHÂN LÝ ("Chí lý!").

Ví dụ 1:
- Kinh tế đi xuống nên chẳng ai vui.
- Naruhodo! = Ừ đúng!

Ví dụ 2:
- Cuộc sống chẳng có gì vui ngoài chém gió!
- Naruhodo! = Chí lý!

Các ví dụ về cách sử dụng sai:
- Anh có muốn lên Niết Bàn không?
- Naruhodo! = Chí lý!
Có gì chí lý hay đúng cho một câu hỏi vu vơ??
- Dạo này bụi bặm nhỉ?
- Naruhodo! = Ừ đúng!
Không được vì người ta đang tìm sự đồng tình của bạn vì họ cũng chưa chắc nhận định đó là đúng.

"Sou desu ka?" / "Sou desu ne!" = Thế ạ? / Đúng thế nhỉ!

Nghĩa là "Vậy ạ? / Thế ạ?" và "Đúng thế nhỉ!" nhưng lịch sự hơn "Naruhodo". Các bạn phải nhớ là "Naruhodo" là ngôn ngữ nói kiểu thân mật, suồng sã nhé. Còn trong hoàn cảnh không thân mật hay nói với người có vị thế cao hơn thì phải dùng "Sou desu ka" và "Sou desu ne" thay vì "Naruhodo" và "Naruhodo ne".

"Tashika ni!" = "Quả thực là vậy!"

Người Nhật cũng hay nói "確かに" (Tashika ni) để thể hiện sự đồng tình, tiếng Việt là "Quả thực là vậy!", "Chính xác!".
  • "Tashika ni!" = "Chính xác!" / "Quả thực là vậy!"
  • Dạng lịch sự: "Tashika ni sou desu!" / "Tashika ni sou desu ne!"
"Tashika na" là tính từ chỉ sự xác thực, chắc chắn.

"Sono toori desu" = "Đúng như bạn nói!"

"Sono toori desu" (その通りです) hay Itta toori desu (言ったとおりです) dùng để bày tỏ bạn HOÀN TOÀN đồng ý với ý kiến đó = "Đúng như vậy" / "Đúng như anh/chị nói".
Cũng có thể dịch là "Tôi hoàn toàn đồng ý với anh/chị"
  • Sono toori desu = "Tôi hoàn toàn đồng ý với anh/chị"

Ví dụ sử dụng "Naruhodo"

  • なるほど彼は年をとっているが,・・・ Đúng là ông ấy đã già nhưng ...
  • なるほど彼は金持ちただが幸せではない Đúng là ông ấy giàu nhưng không hạnh phúc
  • なるほど彼は若いが経験は豊富だ Quả thực anh ấy còn trẻ nhưng rất nhiều kinh nghiệm
  • なるほど,君の言うとおりかもしれない Ừ đúng, có thể là đúng như bạn nói
  • なるほど彼女はかわいいが美人とはいえない Đúng là cô ấy xinh xắn nhưng không thể nói là mỹ nhân được
  • なるほど,それが運命というものですか Vậy hả, như thế được gọi là số mệnh hả?
  • なるほど,わかりました = Vậy à, tôi hiểu rồi

Takahashi - Người tù vĩnh cửu @ SAROMA JCLASS

7 nhận xét:

  1. rat hay. cam on takahashi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. もうすぐ出勤に参りまして、目的は通役の位置ですが。
      まだ技能と経験が足りないとお感じいたします。
      私のような人は多いかも知れません。それで、通役に関する技能と経験についての記事を
      お書かせていただけませんか。
      誠にどうも有り難うございます。

      Xóa
  2. thi nltn thang 12 này mấy giờ vậy các bác ?

    Trả lờiXóa
  3. takahashi san la nguoi VN hay nihonjin vay

    Trả lờiXóa
  4. mình tưởng từ này nghĩa là thảo nào
    ví dụ bật quạt mãi ko thấy quạt quay, nhìn ra chỗ ổ cắm thấy điện chưa được cắm vào thì bảo là : naruhodo ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng có nghĩa đó luôn đó bạn. Dịch là "hèn gì", "thảo nào", "ra là thế".

      Xóa